Thầy Tàu Ly Kỳ Truyện - Quyển 7 : TẦM BẢO (Trường Lê)

Thầy Tàu Ly Kỳ Truyện - Quyển 7 - Tác Giả Trường Lê.

– TẦM BẢO –

Chap 1 : Người Phụ Nữ Bán Bánh Mỳ.

Tại 1 khu chợ dân sinh thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình….Lúc này đang là 6h sáng.

– Oáp….oáp….oáp…..Hơ…buồn ngủ quá. - Tư đưa tay lên che miệng ngáp uể oải.

Chảy cả nước mắt, Tư nói với thầy Lương :

– Đáng lẽ ra con phải ngủ thêm 1 lúc nữa mới phải.

Thầy Lương mỉm cười đáp :

– Thì con cứ ngủ, ta đâu có bắt con phải đi theo ta đâu. Mấy ngày hôm nay công việc nhiều, ta thấy con mệt nên cũng không nỡ gọi. Là con tự mình dậy sao giờ lại than phiền.

Tư gãi đầu cười cười :

– Khì khì, là con ngái ngủ nên nói vậy thôi chứ làm sao con để thầy đi một mình được. Nhất là chiều tối qua lại nghe được cuộc nói chuyện giữa thầy và vợ chồng ông Thìn. Biết sáng sớm nay thầy đi tìm mua thuốc, con phải theo có gì còn phụ thầy một tay. Hề hề hề.

Thầy Lương chép miệng :

– Chậc, nhưng ta thấy lý do con đi theo ta hoàn toàn không phải như vậy. Không cần phải giấu, ta biết con có cảm tình với con gái của ông Thìn. Lo lắng cho con bé nên mới đi theo ta. Như vậy cũng tốt, ngoài việc chỉ dạy con chuyện nhặt xương, rửa cốt, nếu con biết thêm về một số phương thuốc, vị thuốc cũng giúp ích cho con sau này. Có điều, hôm nay ta ra chợ không phải là để tìm mua thuốc.

Tư nghe xong tỉnh cả ngủ, mắt tròn mắt dẹt hỏi lại thầy Lương :

– Thầy vừa bảo gì cơ ? Sao….sao lại…không phải đi mua thuốc….Chính tai con nghe thấy hôm qua thầy nói với vợ chồng ông Thìn là sáng nay sẽ đi hiệu thuốc để bốc cho con gái ông bà ấy mấy thang thuốc chữa bệnh mà ?

Thầy Lương đáp :

– Đúng là ta có nói như vậy, nhưng đó là lời nói để vợ chồng nhà Thìn bớt lo lắng. Bệnh tình của con bé Diệp không phải do đau ốm thông thường. Do đó uống thuốc bình thường cũng không thể khỏi được, phải chữa trị bằng cách khác.

Tư ấp úng :

– Không…không phải bệnh…thông thường ? Lại không thể chữa bằng cách thông thường ? Thế…Diệp bị làm sao vậy thưa thầy ?

Bất chợt thầy Lương dừng lại, nhìn xung quanh 1 lượt, thầy Lương thở hắt ra :

– Hừm, cứ nghĩ chỉ là 1 khu chợ nhỏ, không ngờ lại nhiều ngóc ngách đến vậy. Xem ra đành phải hỏi đường thôi.

Tư nói :

– Kìa thầy, thầy vẫn chưa trả lời con mà…

Thầy Lương đáp :

– Vấn đề con đang thắc mắc sẽ sớm được giải đáp khi chúng ta tìm được quán bán bánh mỳ mà con gái nhà Thìn hay mua.

Càng nghe thầy Lương nói Tư lại càng thấy khó hiểu, đang từ chuyện ốm đau, bốc thuốc, đùng 1 cái thầy Lương chuyển sang chuyên mục ẩm thực, cụ thể ở đây là quán bán bánh mì. Còn đang ngơ ngác suy nghĩ thì Tư thấy thầy Lương bước tới tính hỏi 1 anh bán cá ngay gần đó.

Thấy khách đến, anh bán cá nhanh nhảu đứng dậy vừa chào hỏi vừa giới thiệu :

– Chào cụ, cụ mua cá phải không ạ ? Cụ muốn ăn cá gì để con chọn cho. Toàn cá tươi vừa vào bến sáng sớm hôm nay đấy cụ ạ.

Thầy Lương cười, đoạn xu tay :

– Xin lỗi anh, mới sáng ngày ra không mua hàng mà đã hỏi thì đúng là có hơi thất lễ. Tôi lần đầu đến chợ này, đường đi lối lại không biết, muốn tìm chỗ bán bánh mỳ mà khó quá. Liệu anh có thể chỉ giúp thầy trò tôi được không ?

Bình thường lúc còn ở nhà, Tư cũng hay lang thang mấy khu chợ, gì chứ hàng tôm, hàng cá hay bất cứ hàng nào mà ghé hỏi không mua y như rằng bị mấy mụ chủ hàng chửi bóng, chửi gió, mụ nào hôm đó khó ở còn lấy dao, lấy giấy ra chém vía, đốt vía kinh khiếp hồn. Đây thầy Lương mới sáng sớm, chợ họp chưa bao lâu vào không mua hàng còn hỏi đường. Tư đang bấm bụng quả này mà tay bán cá chửi thầy Lương thì kiểu gì Tư cũng lao vào chửi lại.

Thế nhưng mọi chuyện không như Tư nghĩ, trái ngược với suy diễn của Tư, anh bán cá không những không khó chịu mà còn cười rất niềm nở. Lau lau tay vào 2 bên vạt áo, anh bán cá hỏi thầy Lương :

– Cụ muốn hỏi hàng bánh mỳ nào ? Ở chợ này có 3 hàng bán bánh mỳ. Cụ có biết tên chủ hàng không ạ ?

Thầy Lương trả lời :

– Dạ có, tôi nghe bảo chủ quán là cô Tỵ, thấy đồn pate cô này làm ngon lắm, nức tiếng xa gần.

Đang nghe thầy Lương nói mà anh bán cá phì cả cười. Thấy thế Tư hất hàm, cau mày, giọng hơi gay gắt :

– Này ông kia, thầy tôi hỏi có gì mà ông cười thế hả ? Không biết tôn trọng người lớn tuổi à ?

Anh bán cá vội xua tay :

– Ấy chết, chú em hiểu nhầm tôi rồi. Xin lỗi cụ, con không phải cười cụ đâu ạ. Chỉ là nghe cụ nói nhà mụ Tỵ làm pate ngon nức tiếng xa gần làm con không nhịn nổi cười. Cụ nói câu này thì con tin cụ không phải người ở đây, mà lần đầu đến chợ này thật rồi.

Anh bán cá chỉ tay về phía đường đi bên tay phải, đoạn tiếp :

– Ở chợ này có 3 nhà bán bánh mỳ pate. Chỗ mụ Tỵ ngồi bán ở phía bên kia, cụ cứ theo hướng chỉ tay của con đi thẳng đến cuối, gặp đường rẽ thì rẽ sang bên trái, góc cuối chợ chính là hàng bánh mỳ của nhà mụ. Cụ hỏi thì con chỉ thôi chứ nói thật ăn ở đó dở ẹc. Mụ ấy nổi tiếng chua ngoa, thế cho nên pate mụ ta làm cũng chẳng ngon lành gì. Hồi trước mụ Tỵ bán xôi ở chợ, bán ế, bán không được mụ chuyển sang bán bánh mỳ. Nhưng xem ra cũng chẳng ăn thua, quán bánh mỳ của mụ mới mở được đâu 2 tháng nay, ban đầu bà con ở chợ cũng ăn ủng hộ, có điều ai cũng chê dở nên bánh ế nhiều. Nhưng mà gần đây thì lạ lắm…..

Đang nói, anh bán cá chợt dừng lại. Thầy Lương hỏi :

– Lạ là sao, anh có thể nói rõ hơn chút được không ?

Anh bán cá gật đầu nói tiếp :

– Gần tháng trở lại đây thấy quán mụ khá đông khách, lắm người bảo ăn quen còn nghiện bánh mỳ pate nhà mụ.

Tư nói đế vào :

– Thì chắc do bà ấy học được bí quyết nên chất lượng cải thiện, ngon hơn nên nhiều người mới ghé ăn chứ sao ?

Anh bán cá khẽ cười :

– Khi thấy mấy chị em ở chợ đồn pate nhà mụ Tỵ ngon, bản thân tôi cũng đến mua ăn thử. Nhưng vẫn chẳng thấy ngon lành gì, thậm chí nó còn có mùi là lạ so với trước kia. Mà thôi, đường tôi cũng chỉ rồi, cụ cứ đi là sẽ thấy. Gì chứ đồ ăn đồ uống tuỳ khẩu vị, nói nhiều nói dai lại thành mang tiếng sân si.

Thầy Lương cúi chào cảm ơn anh bán cá rồi nhìn Tư khẽ gật đầu, hai thầy trò theo chỉ đường của anh bán cá, đi 1 lúc đúng là thấy hàng bánh mỳ có cái biển treo bằng bìa các tông, ghi bút mực đen nét to : “Bánh Mỳ + Xôi + Bánh Bao + Ba Tê Ruốc”.

Lúc thầy Lương cùng Tư đến đã thấy khá đông người đứng chờ mua bánh mỳ. Loáng thoáng ngồi bán hàng là 1 người phụ nữ chừng 40 tuổi, tóc búi cao, mặt đánh phấn trắng bạch, hai tay đeo vòng vàng, móng tay nhuộm đỏ, ánh mắt sắc lẹm. Nhất là khi cô ta ngẩng lên chửi bới, quát tháo thực khách chen lấn, xô đẩy :

– Tổ sư bố mày, đang bận mà mày đưa tiền to thế này tính phá tao phải không ?

Giờ thì Tư đã hiểu tại sao ban nãy tay bán cá gọi người phụ nữ này là “mụ”. Ánh mắt cau có, gương mặt khó chịu, cộng thêm cái giọng chua như giấm của mụ chửi người cứ lanh lảnh không 1 chút vấp càng làm cho Tư khó chịu.

Tư lẩm bẩm :

– Chẳng biết ngon đến mức độ nào mà mua hàng để bị chửi, bị mắng thế kia cũng cố mà chen nhau mua được. Thầy ơi, đông lắm, nếu thầy muốn ăn bánh mỳ thì để con tìm chỗ khác mua cho thầy. Sớm tay bán cá có nói chợ này còn 2 hàng bán bánh mỳ nữa cơ mà. Chứ giờ thầy con mình vào đó, có khi mụ lại tốc váy chửi cho thối đầu.

Không thấy thầy Lương đáp lại, Tư kéo kéo tay thầy :

– Kìa thầy, thầy sao vậy ? Sao cứ nhìn chằm chằm mụ bán bánh mỳ thế ? Chẳng lẽ thầy kết mụ ta nên mới tìm tới tận đây…..phải không ?

Thầy Lương bấy giờ mới đáp :

– Hừm, quả nhiên ở đây có điều gì đó không bình thường. Thằng ngốc này, chẳng lẽ con không nhận ra điểm bất thường hay sao ?

Ads
';
Advertisement