Thầy Tàu Ly Kỳ Truyện - Quyển 7 : TẦM BẢO (Trường Lê)

Thầy Tàu Ly Kỳ Truyện - Quyển 7 - Tác Giả Trường Lê.

– TẦM BẢO –

Chap 100 : “ Trụ Trì “.

Nghe thấy vậy, thầy Lương vội quay lại nhìn…Đứng bên cạnh, ông Thìn chắp tay, cúi đầu kính cẩn :

– Chào trụ trì, bữa nay tới chùa lúc còn sớm, sợ làm kinh động đến nhà chùa nên chưa tới thỉnh an trụ trì. Mong trụ thì thông cảm.

Người mà ông Thìn xưng gọi trụ trì là 1 ni sư, tuổi ước chừng ngoài 50, người này có cặp mắt phượng sáng ngời cùng đôi lông mày thanh thoát, ngũ quan toát ra thần thái của bậc chân tu.

Ông Thìn giới thiệu :

– Bác Lương, đây là ni sư T.Đ.C là trụ trì tổ đình chùa K.

Thầy Lương đưa tay trước ngực, khẽ cúi đầu :

– Chào trụ trì, hôm nay thầy trò tôi may mắn có cơ duyên được ghé thăm chùa. Có lẽ những lời bàn tán vừa đã làm trụ trì cảm thấy bất an. Tất cả chỉ là hiểu lầm, thầy trò tôi không có ý xâm phạm đến “Cổ Tượng”.

Vị ni sư hiền hậu đáp :

– A di đà phật, nhà chùa cũng không có ý đó. Thực ra tôi tới đây là để tìm gặp thí chủ. Quả nhiên, dù không rõ mặt nhưng từ vóc dáng cho đến phong thái, râu, tóc đều giống như người mà đức Thánh báo mộng.

Thầy Lương có phần bất ngờ hỏi :

– Thưa trụ trì, ý của người là sao ? Lương tôi nghe mà chưa hiểu lắm.

Ni sư trụ trì chùa K mỉm cười, đoạn tiếp :

– Sáng nay vào lúc canh 5, tôi có nằm mơ thấy ngài hiện về báo mộng rằng hôm nay sẽ có 1 vị cao nhân đến vãn cảnh chùa. Người này râu tóc bạc phơ, mắt sáng, gương mặt hiền hậu, mặc áo nâu sòng, chân đi giày vải, trên vai đeo 1 cái tay nải. Sau khi tỉnh dậy, tôi có đến điện thánh để dâng hương. Sau đó ngồi tụng kinh cho tới vừa rồi tiếng gõ mõ bỗng phát ra thanh âm vang vọng như tiếng chuông đồng. Biết đó là tín hiệu báo cao nhân đang ở trong chùa….Đi 1 vòng tìm kiếm, quả nhiên là vị thí chủ đây. Tôi có nghe vừa rồi thí chủ nhắc đến “Cổ Tượng”, không chỉ vậy còn biết tường tận về pho tượng tạc chân dung ngài. Nếu thí chủ không vội, cho phép nhà chùa được mời thí chủ đến điện thờ ngài, chúng ta sẽ cùng đàm đạo.

Thầy Lương cúi đầu đáp :

– Nếu được như vậy thì thật vinh hạnh cho tôi. Cảm ơn trụ trì.

Vị ni sư đưa tay khẽ nói :

– Mời thí chủ theo tôi.

Ni sư trụ trì chùa K đi trước, thầy Lương, ông Thìn và Tư bước theo sau…..Vừa đi, Tư vừa hỏi nhỏ ông Thìn :

– Sao tài thế bác Thìn nhỉ ? Thầy cháu đến đây mà bà sư kia đã biết trước rồi…

Ông Thìn đáp :

– Mày không nghe thấy trụ trì bảo được đức Thánh báo mộng à ? Chùa K là chốn linh thiêng, mày đứng có mà làm gì tắt mắt, kinh động đến chùa không có khi bị Thánh vật cho méo mồm, sùi bọt mép đấy.

Tư nhăn mặt :

– Bác chỉ được cái nói gở mồm….Nãy cháu cũng mới chỉ gõ gõ vào mấy cái cột chứ đã làm gì đâu. Mà vừa bác hiểu nhầm thầy cháu rồi, đúng là thầy cháu đến đây để tìm bảo vật…..Nhưng không phải muốn lấy bức tượng cổ kia đâu. Tuy mới theo thầy 2 tháng nay, thế nhưng cháu thấy thầy cháu toàn giúp người chứ chẳng có ý xấu lấy cái gì của ai bao giờ. Vả lại, nếu bức tượng to như bức tượng trên ban thờ khi nãy có muốn bê cũng chẳng bê được, chưa kể tượng thật còn để trong cấm điện, khóa trái….Bê có mà chết à ?

Ông Thìn chép miệng khẽ than vãn:

– Mày nói cũng đúng, chậc, cũng tại tao suy nghĩ nhiều nên có chút thất lễ với thầy….Khổ, dân thôn D.N mà cứ nghe đến ai có ý định xấu với chùa K là nhất quyết không để yên. Mà cũng tại 2 thầy trò cứ bí bí hiểm hiểm…..Nói rõ ra từ đầu có phải tốt hơn không ?

Tư bĩu môi :

– Úi giời, tính bác cứ sồn sồn….Nói cho bác biết có khi bác lại bù lu bù loa lên rồi ấy chứ. Vả lại, đến cả thầy cháu còn chưa biết thứ đó là bảo vật gì, lấy như thế nào thì biết nói cho bác làm sao.

Đến trước điện thờ Thánh, ni sư trụ trì mời thầy Lương vào trong điện…..Ni sư pha trà mời thầy Lương, ông Thìn cùng Tư. Ngồi trong điện thờ Thánh, ni sư trụ trì trước hỏi thăm sức khỏe từng người, sau mới đến câu chuyện khi nãy thầy Lương và ông Thìn bàn tán nơi ban thờ trước cung cấm.

– Ngoài việc đến thăm nhà chùa, chẳng hay Lương thí chủ còn có ý nguyện nào khác không ?

Thầy Lương nhấp ngụm trà, nhìn ni sư trụ trì đáp :

– Không giấu gì trụ trì, hôm nay ngoài đến viếng thăm, vãn cảnh chùa thì đúng là Lương tôi còn 1 ý định khác….Đó chính là đi tìm 1 món bảo vật ở trong chùa K.

Nghe thầy Lương nói, ni sư trụ trì chùa K đang khẽ đưa chén trà lên miệng chợt dừng lại. Ánh mắt thoáng chút nghi hoặc, đặt chén trà xuống….Trụ trì chùa K hỏi :

– Bảo vật ở trong chùa K ? Chẳng hay món bảo vật mà Lương thí chủ muốn tìm là thứ gì ? Liệu tôi có giúp được không ?

Tư ngồi bên cạnh khẽ kéo vạt áo thầy Lương, miệng nói nhỏ :

– Kìa thầy, sao…tự nhiên thầy lại nói hết ra như thế ? Chẳng phải thầy bảo đây là chuyện bí mật cơ mà ?

Thầy Lương mỉm cười, đáp lại câu hỏi của Tư :

– Mọi thứ trên đời này cách tốt nhất vẫn là thuận theo tự nhiên, tuỳ duyên trời sắp đặt. Ni sư trụ trì đây được đức Thánh báo mộng về sự xuất hiện của ta….Điều này chứng tỏ, dù ta có muốn tầm bảo cũng khó lòng lấy được…..Hoặc cũng có thể đức Thánh muốn lựa chọn ta là người hữu duyên sẽ tìm được bảo vật của ngài. Bởi vì, theo suy đoán của ta, bảo vật đó ngay cả trụ trì đây cũng không biết về sự tồn tại của nó.

Ông Thìn lên tiếng :

– Bác Lương, dù bác là người có sự hiểu biết sâu rộng….Tuy nhiên, trụ trì đây cũng là người đã gắn bó với tổ đình chùa K hơn 20 năm. Từng viên gạch, từng cột trụ, từng khoảng sân, góc vườn….Tất cả mọi thứ trong chùa K giống như hơi thở của trụ trì…Có thứ gì ở trong chùa mà người không biết chứ ?

Vị ni sư ngắt lời ông Thìn, nhỏ nhẹ nói :

– Cảm ơn thí chủ, đúng là tôi đã ở trong chùa K hơn 20 năm, đã quen với từng cái cây, từng ngọn cỏ trong chùa…..Thế nhưng, thiên địa rộng lớn, có những chuyện phải phụ thuộc vào tuỳ duyên mới mong gặp được. So với chùa K, tuổi đời của tôi quá nhỏ bé. Đâu dám khẳng định trong lịch sử mấy trăm năm của chùa thứ gì mình cũng biết được chứ ? Lương thí chủ, gặp gỡ thí chủ hôm nay không chỉ là duyên của thí chủ với nhà chùa, mà còn là hữu duyên hồi hướng của nhà chùa với thí chủ. Thay mặt nhà chùa, xin được chỉ giáo…A di đà phật.

Thầy Lương gật đầu đáp lễ, đoạn hỏi :

– “ Cổ Tượng Di Thư, Phẩm Vật Lưu Hình “. Xin hỏi trụ trì, người đã từng nghe đến câu khẩu quyết này chưa ?

Trụ trì chùa K suy nghĩ ít giây, xong lắc đầu trả lời :

– Thứ lỗi cho tôi, dù đã đọc hết kinh sách, bút tích được lưu lại trong chùa…..Nhưng quả thực tôi chưa từng được nghe qua câu khẩu quyết này.

Thầy Lương tiếp :

– Đây là 1 câu khẩu quyết được viết lại bằng “mực vô sắc” trên nền “giấy ẩm” và phải thông qua một miếng ngọc màu hổ phách mới đọc được. Theo như văn tự viết trên “giấy ẩm”, tôi được biết trong chùa K có bảo vật. Dựa theo câu đầu trong khẩu quyết thì có lẽ gợi ý đầu tiên chính là “di thư’ được khắc trên pho tượng trầm tạc chân dung Không Lộ thiền sư.

Nghe tới đây, trụ trì chùa K không giấu nổi nét mặt căng thẳng……Nhìn thầy Lương, vị ni sư biết ông lão này từng câu từng chữ đều là thật. Hơn nữa, từ xưa đến nay, chỉ có những đời trụ trì chùa K là biết về văn tự khắc trên tượng trầm. Bởi chỉ có trụ trì được phép tắm và thay áo cho pho tượng cổ cứ 3 năm 1 lần. Hơn thế nữa, có 1 lời thề tồn tại trong chùa K đó là : “Bất cứ ai khi được lựa chọn tắm tượng và thay áo cho ngài, trong quá trình tắm cũng như thay áo, dù nhìn thấy gì cũng không được nói ra ngoài cho người khác….Khi đã thấy thì sống để bụng, chết mang theo.”

Chùa K thượng có niên đại gần 400 năm…..Thế nhưng pho tượng trầm tạc chân dung Không Lộ thiền sư còn có tuổi đời lâu hơn thế rất nhiều. Tương truyền pho tượng được tạc trong lúc thiền sư bị ốm, trước khi tượng hoàn thành thì thiền sư qua đời nên đệ tử cùng người dân đã dừng việc tạc tượng. Tính đến nay, pho tượng đã lên tới gần 900 năm tuổi.

Trải qua gần 900 năm, ngày hôm nay, tại chùa K lại xuất hiện 1 người tỏ ý muốn tìm hiểu về văn tự khắc trên thân tượng…..Ni sư trụ trì nói :

– Được rồi, Lương thí chủ ở lại đây……Còn 2 người tạm thời ra bên ngoài. Nhà chùa có chuyện muốn trao đổi riêng với Lương thí chủ.

Thầy Lương nhìn Tư khẽ gật đầu :

– Tư, con ra ngoài đợi ta.

Ông Thìn cũng đứng lên, cả 2 cúi chào sư trụ trì cùng thầy Lương, sau đó rời khỏi điện thờ Thánh đoạn đóng cửa lại.

Vị ni sư trụ trì chùa K khẽ hỏi :

– A di đà phật, trước khi chúng ta nói về “Di Thư” khắc trên thân tượng cổ…..Liệu Lương thí chủ có thể cho nhà chùa xem qua 1 chút về bức “cổ thư’ viết bằng “mực vô sắc” được không ?

Không tốn lấy 1 giây suy nghĩ, thầy Lương gật đầu đồng ý :

– Tất nhiên là được, bởi dù sao theo như tôi suy đoán…..Những thứ này vốn dĩ là của nhà chùa…

Ads
';
Advertisement