Thầy Tàu Ly Kỳ Truyện - Quyển 7 - Tác Giả Trường Lê.
– TẦM BẢO –
Chap 98 : “Giếng Cổ”.
Sau hơn nửa giờ đi bộ, cuối cùng thì thầy Lương và Tư cũng được ông Thìn dẫn tới ngôi chùa biểu tượng của vùng quê lúa T.B. Đứng trước cổng chùa, Tư bất ngờ thốt lên thành tiếng :
– Oa, ngôi chùa đẹp quá thầy ơi……Con…không ngờ chùa lại to và rộng đến mức này…...Hoành tráng nhưng lại vô cùng cổ kính.
Ông Thìn cười đáp :
– Sao, giờ mới thấy choáng ngợp phải không ? Hê hê, không ai như cậu, người T.B mà hôm nay mới là lần đầu tiên đến chùa K. Nói cho cậu biết, chùa K được xây dựng trên khu đất có diện tích 58.000m vuông, với 21 công trình, bao gồm 154 gian….Toàn bộ kiến trúc của chùa đều được làm bằng gỗ lim. Mất 2 năm để hoàn thành nhưng phải mất đến 19 năm thì người dân mới chuẩn bị đủ khối lượng gỗ lim cho việc xây dựng chùa. Trải qua gần 400 năm, qua mấy lần trùng tu thì hiện giờ chùa chỉ còn 17 công trình với 128 gian. Tuy vậy, những phần kiến trúc đặc trưng chủ đạo của chùa vẫn được nhân dân T.B gìn giữ gần như nguyên vẹn cho tới tận bây giờ.
Tư tròn mắt, há hốc mồm kinh ngạc :
– Gì…gì cơ ạ ? Chuẩn bị gỗ mà mất tận 19 năm……Bác không đùa đấy chứ ?
Ông Thìn nhíu mày :
– Đứng trước cổng chùa tao lại đi đùa với nhà mày…..Chứ mày tưởng gỗ dễ kiếm với dễ vận chuyển lắm ấy hả…?
Thầy Lương gật gù tâm đắc :
– Theo như lời bác Thìn thì ngôi chùa K này được khởi công từ năm 1630 và hoàn thành vào năm 1632. Thời ấy việc vận chuyển gỗ từ vùng núi cao xuống đồng bằng vô cùng khó khăn và gian nan. Chủ yếu sử dụng sức kéo của trâu bò cùng với sức người. Mới chỉ đứng bên ngoài nhìn qua 1 chút đã thấy choáng ngợp, 2 năm xây dựng nhưng cần đến 19 năm để chuẩn bị. “Thần Quang Tự” xứng danh là ngôi chùa cổ kính nhất trong các ngôi chùa mà Lương tôi có cơ duyên được ghé thăm trong suốt hành trình của mình tới thời điểm hiện tại. Địa linh nhân kiệt, chẳng trách nơi đây vượng khí ngút trời, thiên địa hài hoà, đứng trước cổng chùa tự cảm thấy bao muộn phiền, mệt mỏi như tan biến. Chốn linh thiêng thật xứng với 2 từ “Thần Quang”.
Ông Thìn tiếp :
– Quần thể kiến trúc chùa K xây theo kiểu “nội nhị công, ngoại nhất quốc”, với những cụm kiến trúc đăng đối chặt chẽ…Tam quan xây theo kiểu 3 gian, 4 mái với kết cấu bộ vì chồng giường, đặt trên 3 hàng chân cột. 2 cổng phụ hai bên xây bằng gạch chồng diêm 2 tầng 8 mái. Chùa được bố cục theo kiểu chữ “Công” gồm tiền đường, toà Giá Roi và Thượng Điện. Tiền đường 5 gian với các pho tượng Hộ Pháp, Khuyến Thiện, Trừ ác, tượng Đức ông, thập điện diêm vương. Bao quanh bốn mặt chùa là hồ sen tạo thành chiết tự từ đường bao của chữ “Quốc”…Thượng điện thờ 3 pho: Tam thế, Phật bộ di đà tam tôn, Hoa nghiêm tam thánh, Quán âm tọa sơn, quán âm thế chi thiên nhãn và quán âm Nam Hải. Đặc biệt, bộ cánh cửa phần trung gian hết sức sinh động công phu. Đó là một bức phù điêu hoàn chỉnh thể hiện rất chuẩn xác luật xa gần tối sáng của nghệ thuật trạm trổ truyền thống. Giới thiệu qua 1 chút thế thôi, còn bây giờ mời bác Lương theo tôi vào trong, chúng ta cùng đi ngắm cảnh, xem chi tiết từng công trình, cảnh quan của khu chùa Phật….Mời bác.
Chắp tay thành kính cúi đầu trước cổng chùa rồi mới bước vào bên trong…..Mới hơn 6h sáng nên chỉ có lác đác 1 vài người dân quanh đây đến dâng hương. Hôm trước ngồi nghe ông Thìn nói chuyện, được biết thường ngày đều có phật tử khắp nơi trên cả nước về đây đảnh lễ, thế nên thầy Lương muốn đi sớm để tránh đông người.
– Không có gì thư thái, thanh tịnh hơn việc đi vãn cảnh chùa vào buổi sáng sớm. Anh Thìn này, tôi nghe nói ở chùa K có những công trình rất đặc biệt, phải kể đến như “Gác Chuông”, “Tượng Thánh” và “Giếng Cổ”. Không biết lát nữa, anh có thể đưa tôi tới xem những nơi đó được không ?
Ông Thìn gật đầu đáp :
– Tất nhiên là được ạ, đó cũng là nơi phật tử, du khách thập phương khi đến chùa K nhất định phải tới thăm quan, chiêm ngưỡng.
Trong lúc thầy Lương và ông Thìn nói chuyện thì Tư vẫn đang đứng ôm mấy cây cột trụ bằng gỗ ở cổng tam quan ngoại…Thấy Tư thi thoảng Tư lại gõ gõ vào cột trụ, ông Thìn hỏi :
– Cậu Tư, cậu làm gì đấy ?
Tư trả lời :
– À, cháu làm gì đâu….Cháu chỉ muốn xem xem mấy cây cột này có đúng là gỗ lim không ấy mà. Cứng chắc thế này thì đích thị là gỗ lim rồi. Mà có thật là chỉ mất 2 năm đã hoàn thiện xong ngôi chùa không hả bác ? Như bác nói, thuở đầu, chùa còn nhiều công trình, nhiều gian hơn bây giờ….Có nghĩa phải to rộng hơn cả đây, thế thì 2 năm xong làm sao được ?
Ông Thìn cười trả lời :
– Vậy mà lại xong đấy, theo như văn tự khắc trên bia đá, địa bạ, mất 26 tháng thì chùa được xây xong. Nào, chúng ta đi tiếp vào trong, vừa đi tôi sẽ vừa kể cho 2 thầy trò nghe một huyền tích có liên quan đến “Giếng Cổ” sắp tới đây chúng ta sẽ tham quan.
Tư vội bước theo thầy Lương cùng ông Thìn…..Bước chân trên nền sân lát đá, ông Thìn dẫn thầy Lương và Tư đi qua cổng tam quan nội….Phía sau tam quan nội là khu điện thờ Phật, gồm 3 khu nhà nối vào nhau…
Vừa đi, ông Thìn vừa giới thiệu :
– Đây là khu chùa Hộ, ở giữa là ống muống, còn khu bên trong kia là Phật Điện….Tiếp theo đó chính là “Gác Chuông”, cùng nhiều công trình khác….Vừa rồi cậu Tư hỏi 1 câu rất hay, chùa to, rộng lớn, nhiều hạng mục như vậy làm sao có thể chỉ 2 năm đã xây dựng hoàn thiện….Người xưa nói để khởi công xây dựng chùa K, dân làng D.N bên tả ngạn được Quận công Hoàng Nhân Dũng đỡ đầu. Phu nhân của Quận công là Lại Thị Ngọc Lễ mua 18 mẫu ruộng của làng D.N làm đất xây chùa và đứng ra đảm nhận việc vận động xây dựng, mời cung phi Trịnh Thị Ngọc Trân (vợ lẽ của vua Lê Thần Tông) đứng đầu danh sách khuyến giáo. Văn bia tại chùa ghi rõ họ tên, quê quán 171 người đóng góp ruộng đất, vàng, bạc, tiền, gạo… Công việc khởi đầu từ tháng 8 năm Canh Ngọ (1630) đến tháng 11 năm Nhâm Thân (1632) thì xong, chùa gồm 21 dãy nhà, cùng 154 gian. Để xây dựng một quần thể kiến trúc lớn như vậy, người ta phán đoán đội ngũ thợ có lẽ phải lên tới nghìn người thì mới hoàn thiện được trong vòng 2 năm. Có một huyền tích như sau, khi khởi công xây dựng chùa, có người đêm ngủ nằm mơ, được đức Thánh báo mộng chỉ cho vị trí lấy nước uống. Sáng hôm sau người này tỉnh dậy, kể lại giấc mơ đêm qua cho mọi người nghe. Bán tín bán nghi, nhưng trước đó vài hôm, vấn đề nước ngọt, nước sinh hoạt thực sự nan giải khi có quá nhiều người làm việc ở đây. Và thế là đội thợ đã quyết định đào giếng theo vị trí mà người thợ kia nằm mơ được đức Thánh chỉ điểm. Ngay nhát cuốc đầu tiên, một dòng nước trong veo phụt lên cao hơn cả đầu người. Đội thợ dùng nước đó uống thì thấy cơ thể khỏe khoắn, tràn trề sinh lực. Người dân kể, sáng sớm khi mặt trời còn chưa mọc đã nghe thấy tiếng đục đẽo vang lên….Và những âm thanh này chỉ dứt vào lúc nửa đêm. Người ta nói, nhờ vào nguồn nước kỳ lạ ấy mà đội thợ có sức khỏe làm việc miệt mài từ sáng đến đêm. Do đó chỉ trong 2 năm, chùa K đã được hoàn thiện. Vị trí nguồn nước cũng chính là “Giếng Cổ” hiện tại của chùa. Tuy chỉ là huyền tích, thế nhưng người dân T.B chúng tôi vẫn luôn tin vào sự linh thiêng, huyền bí được kể lại qua lời các cụ. Bia chùa Thần Quang Tự (神光寺碑) dựng năm Đức Long thứ 4 (1632), nay vẫn đặt tại chùa, ghi lại việc gia đình cung phi Trịnh Thị Ngọc Trân có nhiều đóng góp trong việc xây dựng cây hương, tiền đường, hậu đường, hành lang...lại cúng ruộng cho nhà chùa.
Tư nghe ông Thìn kể chuyện mà thấy tự trách bản thân mình….Ông Thìn nói đúng, một ngôi chùa có niên đại mấy trăm năm, linh thiêng, huyền bí, cảnh sắc thanh tịnh như thế này mà đến hôm nay Tư mới đặt chân đến mặc dù Tư là người T.B. Trước giờ Tư nghĩ chùa thì chỉ là chùa, là nơi người ta thi nhau đến thắp hương, cầu khấn, xin xỏ cái này, cái nọ. Tư thấy lắm người làm ác, sống chẳng ra gì nhưng tuần nào, tháng nào, lễ nào cũng xúng xính quần áo đi chùa xin lộc, xin may mắn. Vốn tính bộc trực, có chút nóng nảy, Tư nghĩ bụng, đến đó thà không đến thì hơn. Ai cũng xin, ai cũng cầu thì có mà giàu hết, khoẻ hết. Nhưng hôm nay, được đi cùng thầy Lương, cùng ông Thìn, Tư mới hiểu :
“ Nếu mình đi chùa với tâm thành, lòng không mưu cầu lợi ích….Chỉ phát tâm hướng thiện thì chốn linh thiêng như ngôi cổ tự này thực sự khiến con người ta cảm nhận được phần hương khí toả ra từ vùng đất đạo hạnh tích tụ dài cả mấy trăm năm. “
Khẽ nhắm mắt lại, hít một thơi thật dài rồi từ từ thở ra……Tư chắp tay cúi đầu, trong lòng nhẹ nhõm, yên bình đến lạ thường.
Thầy Lương nhìn Tư mỉm cười, gật đầu đoạn nói :
– Xem ra đi chùa cũng giúp con cảm ngộ thêm được vài điều.
Đi theo ông Thìn, hai thầy trò được dẫn tới vị trí “Giếng Cổ”. Thoạt nhìn kết cấu của giếng, cũng không thấy có gì đặc biệt. Phần miệng giếng có hình tròn khá rộng, được gia cố bằng xi măng.
Thế nhưng, khi bước tới gần, nhìn xuống lòng giếng, Tư thấy có rất nhiều những chiếc cối đá bị thủng lỗ được xếp thành hình vòng tròn ngay bên dưới miệng giếng.
Lấy làm lạ, Tư hỏi ông Thìn :
– Những cái cối này là sao vậy bác Thìn ?
Ông Thìn trả lời :
– Đây là 36 cái cối đá, cũng có liên quan đến huyền tích khi nãy….Tương truyền trong qúa trình xây dựng chùa, người ta đã dùng 36 cái cối này để giã gạo, nấu cơm cho đội thợ. Sau khi chùa được xây xong, cũng là lúc 36 cái cối bị thủng hết. Đội thợ đã dùng 36 cái cối thủng này gia cố miệng giếng cho thêm phần chắc chắn. Giếng cổ trong chùa K quanh năm đầy ăm ắp, nước có vị ngọt mát….Nước giếng chỉ được dùng vào những dịp đại lễ quan trọng như : Tắm tượng, lễ hội tháng giêng, lễ hội mùa thu của chùa K.
Nhìn xuống làn nước trong phản chiếu sắc xanh của rêu bám hàng trăm năm…..Bất chợt thầy Lương thấy động tâm. Tim thầy đập nhanh, càng bước tới gần giếng thì nhịp tim lại càng đập nhanh hơn.
“Khục”
Thầy Lương ho khan 1 tiếng, đoạn bước lùi chân lại……Tư hỏi :
– Thầy….thầy lại ho rồi….Hình như sắc mặt của thầy không được tốt….
Thầy Lương đưa tay ra đáp :
– Ta không sao…..Chắc do hơi lạnh của sương sớm lúc đi đường…..
“ Cổ Tượng Di Thư, Phẩm Vật Lưu Hình”.
Trong đầu thầy Lương nhớ tới câu khẩu quyết được viết bằng mực vô sắc trong bức cổ thư……Ông Thìn cũng vừa nhắc đến 1 trong những đại lễ của chùa K là “Tắm Tượng”.
“ Bên dưới giếng quả nhiên có bảo vật….Nhưng khi ta tới gần lập tức bị ép tim đến mức khó thở…..Chỉ mới nhìn mà đã nhận phải uy áp lớn đến vậy….E là miễn cưỡng đoạt bảo cũng khó mà toàn mạng…..Có lẽ đầu tiên phải tới bức “Tượng Thánh” để tìm hiểu trước….Không hổ danh là bậc đại thiền sư…..Bảo vật của vị đại cao nhân này thật không dễ gì lấy được….Hừm….”
Truy cập tên miền Tamlinh247.Online nếu không vào được web nhé
Top Truyện hay nhất